Đồi mộng mơ

Đồi Mộng Mơ là một thắng cảnh thơ mộng của Đà Lạt, mà ngay tên gọi của nó cũng đã nói lên chất "thơ". Có người gọi đồi Mộng Mơ là Đà Lạt thu nhỏ.

đồi mộng mơ

Đồi Mộng Mơ là khu du lịch mới xây dựng gần đây, với sự sắp xếp đầy nghệ thuật các biệt thự, hồ nước, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu bán đồ lưu niệm,… tất cả tạo nên một khu du lịch khép kín đang rất thu hút khách tham quan. Ngoài cảnh đẹp, đồi Mộng Mơ còn có sự phá cách bởi biết kết hợp nét đẹp văn hóa cổ truyền. Những chương trình ca múa nhạc cùng các lễ hội cồng chiêng sẽ đem đến những thu vui riêng cũng như nhiều kiến thức mới cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Đồi Mộng Mơ còn có làng Văn hoá dân tộc, nơi trưng bày chum ché cổ Tây Nguyên, tham quan đồng bào dân tộc nấu rượu cần, giã gạo, dệt thổ cẩm,… cũng như xem biểu diển nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên như: Crăm, Đinh Pá, chinh Pó, chinh Arapmaoh, đàn T’rưng, khèn bầu và đàn đá. Tất cả điều đó quyện lại với nhau tạo nên vẻ đẹp rất riêng đầy quyến rũ của đồi Mộng Mơ.

đồi mộng mơ

So với nhiều danh thắng có tên tuổi khác của xứ sở sương mù như hồ Xuân Hương, Hồ Than Thở, dinh Bảo Đại, núi Lang BiAng thì khu du lịch (KDL) đồi Mộng Mơ không nổi tiếng bằng nhưng hiện đang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất, thu hút khách nhất của thành phố du lịch Đà Lạt. Đây là khu du lịch khép kín với những ngôi biệt thự vườn, nghệ thuật đá chen hoa, hồ nước, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu bán đồ lưu niệm … Đó là nét nỗi bật rất riêng của Đồi Mộng Mơ, một địa điểm du lịch độc đáo của Thành phố Đà Lạt.

đồi mộng mơ

Trên một diện tích khiêm tốn, nơi đây cũng có đầy đủ hoa, cỏ xanh mướt bốn mùa, nhiều giống hoa mới, màu sắc rực rỡ được chăm sóc tốt, thiết kế đẹp tạo cảm tình cho khách ngay từ ban đầu. Đến đây du khách có dịp thưởng thức những kiến trúc nhân tạo được kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên từ tiểu vạn lý trường thành vắt ngang qua 2 km đồi núi đến căn nhà cổ hơn 300 năm được dựng từ nguyên bản nhà rường ở Bình Định sẽ đưa bước chân du khách đến với những hoài niệm của quá khứ ngàn xưa, từ vườn đá cảnh thiên nhiên đầy đủ sắc màu đến những kỳ hoa dị thảo rực rỡ khoe sắc tỏa hương trong những khu vườn chung quanh Đồi Mộng Mơ giúp cho du khách có những cảm giác mới lạ và thư thái.

đồi mộng mơ

Nhưng điều làm nên sức thu hút lại chính là sân khấu cồng chiêng, và Làng Văn hoá dân tộc. Tận dụng địa hình dốc cao của khu đất, Công ty CP Thành Ngọc đã đầu tư cho xây dựng một sân khấu biểu diễn cồng chiêng, mái hình rẽ quạt, lợp tôn màu, sâu khấu và khán đài tam cấp chính được làm bằng đá đủ chỗ cho 550 người ngồi. Cách bố trí này tạo sự liên kết về mặt không gian văn hóa. Hàng ngày KDL bố trí 2 show diễn: Sáng từ 9giờ đến 11g30, chiều từ 15:00 – 17:00 giờ. Tại đây du khách vừa xem biễu diễn văn nghệ vừ có thể thưởng thức thịt nướng, rượu cần và cũng có thể đặt hàng các show diễn riêng vào buổi tối.

Thông thường một sô diễn kéo dài 90 phút gồm các bài hát bằng tiếng dân tộc, tiếng Kinh; các vũ điệu cồng chiêng gắn với sinh hoạt của đồng bào K’Ho như cúng mừng lúa mới, mô phỏng lễ hội đâm trâu, lễ hội cầu mùa, cúng nhà mới… và du khách có thể bước xuống sàn cùng nhảy hòa vào nhịp chiêng với những người anh em.

Thành phần biểu diễn 100% là người dân tộc K’Ho, vốn là một trong các nhóm nhạc dân tộc ở thị trấn Lạc Dương. Đội văn nghệ cồng chiêng gồm 15 nam, nữ thanh niên tuổi từ 18 – 35, tất cả đều hát hay đàn giỏi.

Những chương trình ca múa nhạc cùng các lễ hội cồng chiêng trên sân khấu hoành tráng ở trong khu du lịch sẽ tạo ấn tượng mạnh cho du khách phương xa khi được đắm mình trong âm nhạc của núi rừng Tây nguyên hùng vĩ. Tuy nhiên, để các buổi diễn thực sự là âm nhạc truyền thống Tây Nguyên thì rất cần có sự đầu tư về nhạc cụ dân tộc, sưu tầm, tập luyện thêm nhiều tiết mục từ chính vốn văn hóa dân gian của chính các dân tộc Tây Nguyên và một điều hết sức quan trọng là tinh thần phục vụ chu đáo và nhiệt tình hơn.

Ra khỏi sân khấu cồng chiêng, đi xuống theo Vạn lý trường thành sẽ đưa du khách vào tham quan khu làng Văn hoá dân tộc. Ở đây du khách được xem bộ sưu tập chum ché cổ độc nhất vô nhị của đồng bào Tây Nguyên, được xem các cô gái dân tộc dệt thổ cẩm, xem các thiếu nữ chân trần giã gạo, xem nấu rượu cần và thưởng thức rượu cần Mộng Mơ miễn phí. Tại đây du khách cũng có thể xem các nghệ nhân thực thụ biểu diễn những nhạc cụ đân tộc Tây Nguyên truyền thống như chinh Crăm, Đinh Pá, chinh Pó, chinh Arapmaoh, đàn T’rưng, khèn bầu và độc đáo nhất là bộ đàn đá với những âm thanh trầm bổng của núi rừng huyền bí.

Khu du lịch Đồi Mộng mơ thực sự là một sản phẩm du lịch đặc sắc độc đáo đã góp phần tạo nên những sắc thái riêng về cảnh quan và con người Đà Lạt để giới thiệu, quảng bá đến du khách gần xa.

Thung lũng tình yêu

Thung lũng Tình Yêu là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất tại Đà Lạt, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía bắc. Đó là nơi đập Đa Thiện quy tụ những dòng suối nhỏ chảy từ đồi núi cao, thành hồ Đa Thiện trong vắt uốn quanh thung lũng rợp bóng thông xanh.

Sự hấp dẫn của vùng thung lũng này vốn là nét lãng mạn tự nhiên của một không gian xanh, non nước hữu tình. Sự đầu tư của con người cũng góp phần tạo nên cảm xúc đẹp cho du khách khi ngắm nhìn cảnh quan nơi đây. Cả một ngọn đồi trồng hoa, cây xanh và những lối đi nhỏ có nhiều điểm nhấn cho lứa đôi tìm tới. Đó là hình ảnh hai bàn tay cùng trao nhẫn, là bức tượng cặp tình nhân bên nhau, ngay cả những chiếc ghế đá cũng là biểu tượng của lứa đôi.

Thung lũng Tình Yêu từng là nơi diễn ra những sự kiện thú vị vào ngày Tình Yêu (Valentine day - 14/2) hàng năm như lễ hội Hôn (năm 2008) với 500 cặp tình nhân tham gia; lễ hội Nhảy đôi (năm 2009). Đến năm 2011 thì ngay trên ngọn đồi trữ tình ấy có một công viên rất đặc biệt: công viên Hoa hồng, với cả một vườn hoa hồng đủ màu khoe sắc, được thiết kế hai khung sắt hình hai trái tim lồng nhau. Đó là nơi dành cho những đôi tình nhân thề ước, gắn những chiếc ổ khóa tình yêu vào. Chiếc chìa khóa sẽ được ném vào hồ nước ngay trung tâm công viên, cạnh đó là một bức tượng tình yêu. Dạo chơi trên hồ Đa Thiện

Nơi dành cho những đôi tình nhân thể hiện lời thề hẹn bằng những "khóa tình yêu".

Bên dưới đồi là thung lũng với hồ Đa Thiện nước xanh trong vắt, cảnh sắc tuyệt mỹ. Rất nhiều đôi tình nhân thuê pedalo dạo chơi trong lòng hồ, rồi tìm một bóng mát nào đó trong cánh rừng thông ngút ngàn thênh thang ấy mà tình tự, yêu đương. Tại nơi này có một ngọn đồi với những cây thông cao vút và cỏ mướt xanh, có thể leo lên đấy rong chơi trong cõi riêng tư. Một con đường khác đưa tới suối Mimosa là hạ nguồn từ đập Đa Thiện đổ nước ra, với hoa mimosa trồng bao quanh. Trong tiếng suối chảy, ngạt ngào hương hoa ấy quả là chốn thiên thai hạ giới.

Nhà sàn ở

Thung lũng Tình Yêu quả xứng danh là một nơi thấm đẫm tình yêu đôi lứa bởi vẻ đẹp tự nhiên được gìn giữ. Con đường đi quanh hồ Đa Thiện phủ bóng cây, dẫn tới đồi Địa Đàng - một khu vườn nhỏ, trồng nhiều loại cây, có những chiếc lều nho nhỏ với bàn ghế làm bằng gốc cây. Ngồi ở vị trí này, khách có thể nhìn bao quát cả hồ nước lung linh sương khói. Hiện tại thung lũng Tình Yêu có thêm dịch vụ cho thuê xe đưa du khách dạo chơi, lên điểm cao nhất của đồi Vọng cảnh với giá 250.000 đồng/chuyến. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt bao quát, ngắm toàn cảnh thung lũng Tình Yêu tràn ngập hoa.

Rất nhiều đôi tình nhân, ngay cả những cặp vợ chồng đã sống với nhau gần trọn cả đời người, thong dong dắt tay nhau tìm đến nơi như chỉ dành riêng cho đôi lứa. Ở thung lũng Tình Yêu này, biết bao nhiêu thề hẹn đã thành những thiên tình sử!

Chợ đà lạt

Chợ Đà Lạt là một trung tâm thương mại của thành phố Đà Lạt tọa lạc trên trục đường chính là đường Nguyễn Thị Minh Khai và được xem là "con tim của thành phố Đà Lạt". Không chỉ là một ngôi chợ với các hoạt động mua bán, chợ còn là điểm thu hút khách tham khi đến thành phố Đà Lạt.

Chợ Đà Lạt có dáng vẻ vừa bề thế vừa thanh nhã, mỹ thuật. Được xây dựng từ năm 1958-1960, chợ Đà Lạt có kiến trúc hiện đại nhất thời bấy giờ. Điểm đặc biệt là chợ này nằm ngay chân đồi, thông với đỉnh đồi là khu Hòa Bình qua một chiếc cầu ở tầng 2 và với hồ Xuân Hương bằng con đường dẫn vào tầng trệt. Phía trước chợ là một bùng binh trồng hoa. Bên hông, cạnh bùng binh có bậc tam cấp dẫn lên đường Lê Đại Hành và một con dốc nối khu Hòa Bình với hồ Xuân Hương. Tất cả tạo cho chợ Đà Lạt có một vị trí bố cục ngoạn mục mà chỉ có được ở những thành phố cao nguyên nhiều đồi núi.

Vào mỗi buổi tối các bạn có thể đi dạo trên khu phố dành cho người đi bộ rất hay và thú vị,có thể ngắm cảnh chợ vào buổi tối,tuyệt đẹp. Ngoài ra bạn còn thể đi xe đạp đôi quanh chợ rồi một vòng quanh Hồ Xuân Hương rất thú vị và lãng mạn

Ngoài những mặt hàng bình thường như tất cả những ngôi chợ khác, chợ Đà Lạt còn bán đủ các loại đặc sản ở đây, chủ yếu ở khu tầng trệt. Phía ngoài cùng là các sạp bán hoa, kế đó là cáp sạp trái cây, rồi đến khu vực các đặc sản Đà Lạt được chế biến: a-ti-sô, xí muội, rượu vang, xi rô…

Khu phố đi bộ trở thành chợ đêm gồm khu Hoà Bình, vòng qua các đường: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Đại Hành, Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định, Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh… Khu chợ đêm chạy dọc ngay chân cầu thang nối khu Hoà Bình với tầng lầu chợ Đà Lạt, dọc theo khu Hoà Bình và dọc theo con đường trước chợ.

Tản bộ dọc các kiốt trên phố Hoà Bình, có thể ghé những tiệm khắc gỗ thông, "ghi" tên trên tấm gỗ làm kỷ niệm. Con đường đêm trước chợ hắt sáng ánh đèn, hai bên lề không khí buôn bán sôi động. Vẫn là những tấm bạt trải ra, quần áo ở đây chủ yếu đồ len như áo khoác, áo len, mũ len, khăn choàng... đa dạng. Khu này bán tương đối nhỏ nhẹ, không "la" như khu trên kia. Cũng trong chợ đêm, lẫn lộn vài hàng bán các loại thổ cẩm. Hàng thổ cẩm Đà Lạt đẹp và phong phú, giá tương đối cao như chiếc ví đựng tiền 30.000 đồng nhưng được nhiều du khách chọn. Còn đồ len dẫu không thích hợp với xứ nóng, nhưng du khách vẫn mua...

Đà lạt

Đà lạt, thành phố đẹp kỳ lạ, một chút buồn, một chút vấn vương những con đường nhỏ ngoằn ngoèo lẩn trốn dưới rừng thông ngàn năm.

xe đạp đôi đà lạt

Khi đặt chân lên Đà Lạt nằm trên cao nguyên Langbian, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên với rừng thông trùng điệp, thác đổ ào ào, suối tuôn róc rách và đặc biệt là các loài hoa. Không có nơi nào trên đất nước ta lại có nhiều hoa như ở Đà Lạt - từ hoa rừng nhiệt đới cho đến các loài hoa phương Đông, phương Tây.

hồ xuân hương đà lạt

Hoa phương Đông duyên dáng, mềm mại. Tại các vườn hoa trong thành phố hay trong các vườn nhà của tư nhân, du khách có thể nhìn thấy màu hồng của hoa đào, hoa tường vi; màu tím của hoa cúc Nhật Bản, Ngọc Hân; màu vàng của cúc đại đóa, hoa thiên lý, màu đỏ của dâm bụt; màu trắng của hoa sứ, hoa huệ, trà mi ...

Về đêm, du khách có thể thưởng thức hương thơm ngào ngạt và dịu dàng tỏa ra từ hoa dạ lan, hoa lài, hoa hồng... làm cho núi rừng cao nguyên càng thêm thơ mộng và quyến rũ. Hoa cúc ở Đà Lạt nở quanh năm. Có tất cả trên 20 thứ cúc khác nhau. Một trong những loài hoa cúc hay được nhắc đến là sans - souci (không vướng ưu phiền - vô ưu) sau đó là hortensia (hoa cẩm tú cầu), pensée, cosmos (bươm bướm), Oeiuet (cẩm chướng), violette (hoa tím), immortelle (hoa bất tử), arum (hoa cuống kèn). Một số loài hoa mang nguồn gốc từ Bắc Mỹ, Mexico, châu Phi hoặc châu Âu nhưng lại có tên Việt Nam hẳn hoi như: hoàng anh (verged’or), thược dược (dahlia), thu hải đường (bégomia rex), mõm sói (gueule de loup), hoa lồng đèn (fuchsia), xác pháo (sauge éclatante), sen cạn (capucine)...

đêm đà lạt

Đó là những hoa có nguồn gốc xuất xứ, còn hoa rừng ở Langbian thì nhiều vô kể, vả lại nó vừa lạ vừa đẹp. Trên những khu rừng ven suối, rừng thông trên đỉnh Langbian có biết bao loài hoa phô sắc như anh đào, hoa lan, hoa đỗ quyên, hoa mua, bướm bạc...

Anh đào là loại hoa mọc hoang trong rừng, từ đầu thế kỷ 20 được đem về trồng ở Đà Lạt. Từ đó đến nay, hàng năm cứ vào độ gần Tết, hoa lại nở rộ báo hiệu xuân sang và một năm mới sắp về. Cây anh đào Đà Lạt có tên là prunus cerasoides, có hoa đơn năm cánh giống như hoa mai. Cây anh đào mang đặc tính của thực vật miền ôn đới, đến mùa thu cây trút lá và bước vào thời kỳ nghỉ đông, cây chỉ còn trơ lại những cành hoa anh đào. Năm 1964, Đà Lạt được du nhập thêm giống hoa anh đào Nhật Bản trồng ở ven hồ Xuân Hương nhưng vì nhiệt độ chưa đủ lạnh, độ ẩm còn thấp, thiếu sương mù nên không sống nổi.

hoa đà lạt

Hoa hồng thì có nguồn gốc từ Trung Đông như loại rosa lutea hay di thực từ Trung Quốc vào châu Âu hồi thế kỷ 18 như rosa indicafragans. Ngoài ra, Đà Lạt còn mang nhiều giống hồng mang tên phương Tây như giống Brigide Bardot có màu hồng thắm, ngọt ngào như môi cô tài tử lừng danh nước Pháp. Giống silver star màu tím nhạt thật quyến rũ, giống America màu đỏ tươi rực rỡ, giống Josephine Kennedy màu vàng óng ánh, giống Grace Monaco màu hồng phấn trang đài như hoàng hậu xứ Monaco.

Còn các hoa phương Tây thì từ khi du nhập vào Đà Lạt, mãi cho đến nay vẫn giữ cái tên nguyên thủy của nó như mimosa, lys, glaieul, coquelicot, marguerite, gerbera...

Hoa lan ở Đà Lạt có trên 200 loài, trong đó có 5 loài được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới được mang tên Đà Lạt hay Langbian.

Lan ở Đà Lạt được xếp thành 3 loại chính là thổ lan, thạch lan và phong lan. Thổ lan tức lan đất, mọc ở trên bờ suối hay ở những nơi ẩm ướt trong rừng thẳm. Thạch lan tức lan đá, mọc trong khe hay trên núi đá có rêu xanh. Phong lan thì sống cộng sinh trên thân cây khác.

Lan còn đặt tên theo hình dáng và màu sắc của hoa, lá hay thân, rễ của nó như hạc đính, bạch hạc, nhất điểm hồng, thủy tiên, tiên hài, hàm lân, kim điệp, long tu, hoàng lan, bò cạp... Đa số những lan vừa kể hay nở trong mùa đông hoặc mùa xuân. Thường thường thì những nhà chơi lan có các loại hoa này để thưởng thức trong dịp Tết.

Lan là loài hoa quý được nuông chiều khi nó hội đủ điều kiện về hình dáng và màu sắc. Vì vậy mà các nhà chơi lan ở Đà Lạt, từ trước tới nay đã chi phí không biết bao nhiêu công sức, thời giờ và tiền bạc để tô điểm cho lan.

Từ những cây sống cộng sinh trên các thân cây khác trong rừng, lan được con người nhân giống bằng củ và đem bán ngoài thị trường. Ngoài ra, nhiều giống nhập từ nước ngoài về như chateau, sayonara, balkis, oriental legend... đã làm phong phú thêm bộ sưu tập lan của Đà Lạt.

Ngoài lan ra, trên những đồi hoang, những bãi đất trống, người ta còn bắt gặp các loài hoa dại như me đất, trinh nữ, mắt nai, huệ đất, cúc quỳ, đó là những loài hoa đẹp dễ phát triển. Lại có một số hoa có tác dụng về y dược như bồ công anh, cúc nút áo... vừa đẹp lại vừa có ích cho y học.

Có thể nói ở Đà Lạt, đi đâu cũng thấy toàn hoa và có rất nhiều loài hoa cho nên người ta gọi Đà Lạt là "thành phố ngàn hoa".